Vào những ngày nghỉ lễ, có những người dành thời gian để ngủ lì bì cả ngày, có những người sẽ chơi game online cùng bạn bè, nhưng cũng có những người vẫn làm việc, dành thời gian học tập và nghiên cứu, và tiếp tục hoàn thành những mục tiêu trong kế hoạch của. Vậy tại sao có nhiều người lại gặp khó khăn trong quản lý bản thân, thực hiện kỷ luật? Cách nào để kiểm soát chính mình một cách tốt hơn?
Nhiều kết quả của các bài nghiên cứu cho thấy những người chịu áp lực về thời gian nhưng biết cách kiểm soát thời gian của mình thường có cuộc sống vui vẻ hơn, không bị quá tải và giảm được rất nhiều sự căng thẳng hơn so với người luôn bận rộn vì deadline.
Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn có thể kiểm soát và quản lý thời gian của bản thân tốt hơn.
1. Lập danh sách tất cả các công việc
Chìa khóa đầu tiên khiến bạn nắm được quyền kiểm soát bản thân trong một ngày chính là hiểu rõ toàn bộ những việc bạn cần làm. Dù công việc có nhỏ tới mấy nhưng bạn hãy ghi ra để bản thân có cái nhìn tổng quan hơn. Trong một danh sách làm việc của bạn hãy có cả những công và việc tư trong ngày.
Những việc bao gồm việc riêng như giặt ga giường, lấy quần áo từ tiệm giặt hay họp với đội nhóm bạn cũng nên để vào một danh sách. Điều này sẽ hạn chế việc bạn quên cái này hoặc cái kia, và bạn có thể thấy một ngày làm việc hiệu quả ra sao khi bản thân có thể hoàn thành được hết các công việc lặt vặt và công việc tại cơ quan của chính mình.
2. Đặt ra sự ưu tiên
Sau khi lập ra danh sách cho chính bản thân mình, bạn hãy sắp xếp chúng một cách khoa học nhất. Hãy xem xét điều gì là quan trọng nhất đối với bạn. Với những mục tiêu dài và cực kỳ quan trọng như thi IELTS 7.0 hay hoàn thành một dự án nào đó thì luôn để nó lên vị trí đầu tiên. Thành công không thể đến một cách chớp nhoáng sau một đêm mà nó sẽ đến từ từ qua sự nỗ lực. Sắp xếp theo mức độ về tầm quan trọng, sự khẩn cấp, thời gian cần thiết và giá trị mà mỗi việc mang lại. Đây là một điều rất nhỏ khi bạn lập kế hoạch nhưng nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều về thời gian và cam kết làm việc đấy.
3. So sánh kết quả hoàn thành và thực tế
Con người thường có xu hướng đánh giá cao những gì bản thân có thể làm được. Và đôi khi có nhiều yếu tố không lường trước được khiến hiệu quả của công việc sẽ giảm thậm chí buộc phải dừng lại. Một số yếu tố có thể là cơ thể mệt mỏi hay tự dưng có công việc đột xuất, hoặc bạn phải đi công tác,… Để giảm thiểu điều này, trong bản kế hoạch của mình, bạn hãy ước tính thời gian thực hiện một nhiệm vụ và điều chỉnh so với thực tế. Từ đây bạn nắm rõ được thời gian cần thiết của mình khi hoàn thành một công việc là bao lâu. Sau một khoảng thời gian thì có thể tăng thời gian lên ít nhất 25% để làm. Trong lịch bạn cũng nên để khoảng thời gian để làm những công việc “không tên” phát sinh trong ngày.
4. Hạn chế sự gián đoạn
Gián đoạn hay sự mất tập trung được cho là nguyên nhân khiến nhiều người không hoàn thành được công việc nhất. Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai đặc biệt với bà mẹ đang có con nhỏ. Với nhân viên văn phòng thì dễ bị gián đoạn bởi cuộc trò chuyện hoặc những cuộc trao đổi của đồng nghiệp. Âm thanh như tiếng còi xe, công trường cũng không phải là điều hiếm ở Việt Nam. Tin nhắn hoặc email luôn khiến bạn phiền muộn.
Hiển nhiên, bạn khó tránh khỏi những sự gián đoạn này nhưng có thể làm một số việc để hạn chế. Ví dụ bạn có thể đeo tai nghe, đóng cửa sổ hoặc cửa văn phòng để hạn chế tiếng ồn, tắt thông báo trên điện thoại và máy tính khi đang làm việc. Bạn có thể làm việc tập trung trong vòng 25 phút theo phương pháp Pomodoro, sau đó dành ra 5 hoặc 10 phút để check và nhận email. Nếu bạn không thể làm việc ở nhà thì hãy thay đổi môi trường và làm việc ở quán cafe yên tĩnh hoặc thư viện.
5. Tập từ chối và nói “không” với những cam kết ngoài lề
Hầu hết chúng ta thường ngại từ chối lời nhờ vả của đồng nghiệp, hoặc người chúng ta tin tưởng. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc việc giúp đỡ đó có thực sự quan trọng với bạn hay không. Nếu như bạn đang làm việc và những lời nhờ ấy ảnh hưởng tới sự tập trung cũng như không có nhiều giá trị với bạn, hãy thừa nhận điều đó và can đảm nói “không”. Tập trung vào những gì bạn có thể đạt được với khoảng thời gian của chính mình. Hoặc nếu bạn không muốn làm người khác phật lòng thì hãy hoàn thành xong công việc đang dở của mình và giúp đỡ người khác sau đó nếu họ thực sự cần tới bạn.
Vì vậy, trước khi cam kết, hãy nghĩ đến tầm quan trọng của nhiệm vụ hoặc vai trò trong danh sách ưu tiên của bạn và chỉ nói “Có” nếu việc đó nằm trong vùng ưu tiên.
6. Ngưng chần chừ
Thực tế là chúng ta luôn có để nhiều cái cớ để “lựa giờ đẹp” làm việc. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng 95% “chúng ta” đều trì hoãn ở mức nào đó. Có thể bạn sẽ không cảm thấy bị cô đơn khi nhìn thấy số liệu này, nhưng đó cũng là một hồi chuông lớn về sự trì hoãn quá lâu của một con người.
Thói quen có thể bỏ được, kể cả với sự “chần chừ”. Bạn hãy tham khảo một số cách sau đây:
Nhận biết và thừa nhận bản thân đang chần chừ với dấu hiệu sau: dành một ngày để ưu tiên làm những công việc ít quan trọng, làm hộ người khác, có danh sách tồn đọng những việc cần làm, hoặc đơn giản “đợi cảm hứng” tới thì mới làm việc.
Sau đó, xác định một vài nguyên nhân dẫn tới vấn đề: có thể do nhiệm vụ đó khó khăn hay nhàm chán, hãy suy nghĩ về tầm quan trọng của nó đối bạn và gia đình. Bạn thấy quá tải khi nhìn list những việc cần làm? Bạn quá lo lắng về thất bại? Bạn không muốn làm vì sợ sẽ phải nhận nhiều việc thêm?
Với những lý do trên, hãy thực hành nhiều phương pháp để “giải quyết” được thói quen trì hoãn
– “Tha thứ” cho sự trì hoãn ngày trước của bạn. Để những gì xảy ra là xảy ra, điều này sẽ khiến bạn thôi dằn vặt và cho bạn góc nhìn lạc quan
– Hoàn thành thứ mình không thích trước: Hãy dành thời gian buổi sáng đầu ngày để làm những công việc nặng, hoặc bạn cảm thấy không thích thú nhất để thời gian còn lại hoàn thành những công việc thú vị hơn.
– Nhờ ai đó kiểm tra bạn: Nếu bạn không tự mình làm được, hãy nhờ người khác giám sát mình. tự sử dụng một số phần mềm để tự giám sát chính mình.
7. Đánh dấu sự tiến bộ của bạn
Bạn hãy nhớ rằng: Công việc nên được hoàn thành chứ không phải là hoàn hảo. Umit gợi ý bạn làm một tracker công việc để ghi chép lại sự nỗ lực của bạn. Hàng ngày hãy đánh dấu công việc lên lịch, kể cả khi bạn cảm thấy rằng bạn mất tự chủ, hãy đánh dấu chúng và ghi vào nhật ký về nguyên nhân dẫn tới việc đó. Khi đó bạn sẽ có thêm nhận thức về bản thân và thói quen của bạn, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy và dự đoán được thời gian thử thách là khi nào và nó diễn ra như thế nào.
Ví dụ những ngày cuối năm, là kế toán nên bạn cực kỳ bận và căng thẳng với hàng loạt chứng từ, bạn nhận thấy rằng bản thân có xu hướng ăn nhiều hơn do áp lực. Vào năm sau, bạn sẽ biết được hai tháng cuối năm làm bạn gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát bản thân. Lúc này, bạn có thể tự đề phòng tình trạng trên bằng cách tìm hiểu thêm phương pháp để bản thân giảm ăn uống quá độ, sống lành mạnh để có đủ sức khỏe vượt qua thời kỳ ấy.
8. Tạo động lực cho bản thân
Hãy luôn nhắc nhở bản thân về lý do mình bắt đầu công việc hoặc dự án này. Bên cạnh đó hãy tìm thêm động lực sâu xa bên trong và ghi lại trong nhật ký. Bạn cũng có thể lên danh sách về các lý do trong một tờ giấy nhỏ và để nơi bạn dễ nhìn thấy chúng nhất mỗi ngày hoặc cài đặt chương trình nhắc nhở trên điện thoại.
Nếu bạn đang nỗ lực kiểm soát bản thân trong việc giảm cân, hãy viết lợi ích về cơ thể được hưởng như thế nào từ việc bạn ăn nhiều rau xanh, liệt kê tác hại của đồ ăn nhanh đối với sức khỏe, con số ba vòng đáng mơ ước,…hoặc bất cứ lý do nào mà bạn nghĩ chúng sẽ có thể tạo động lực giúp bạn tạo thói quen sống cân bằng này.
Với những động lực nhỏ hơn trong lúc làm việc thì bạn có thể thỏa thuận với chính bản thân mình rằng bạn sẽ nghỉ ngơi và xem chương trình yêu thích sau khi hoàn thành xong một số nhiệm vụ. Hoặc bạn sẽ được mua một thứ bạn rất thích sau khi thi đỗ kỳ thi căng thẳng nào đó. Hãy luôn luôn động viên và giành thật nhiều lời khen cho bạn thân vì bạn xứng đáng được như vậy.
Bài viết cùng chủ đề:
➤ Lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với SWOT
➤ Tìm kiếm điểm mạnh của bản thân
Đăng Ký Làm Sinh Trắc Vân Tay Ngay Nhé!