Chúng ta thường nghe tới định nghĩa “sứ mệnh” trong văn bản mô tả của các doanh nghiệp hay công ty. Với doanh nghiệp, sứ mệnh như một kim chỉ nam giúp họ theo đuổi định hướng con đường phát triển theo thời gian. Tất cả nhân viên từ giám đốc tới quản lý, nhân viên đều sẽ làm việc theo định hướng theo sứ mệnh đó, một cách đồng nhất. Vậy nếu khái niệm “sứ mệnh” chuyển sang quy mô nhỏ hơn, thay vì được định nghĩa ở doanh nghiệp mà sẽ được định nghĩa ở mức độ cá nhân thì bạn có thể xác định được chứ? Đã bao giờ bạn nghĩ tới sứ mệnh cá nhân chưa? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Umit để tham khảo nhé.
1. Sứ mệnh là gì?
Sứ mệnh cá nhân được hiểu theo một cách đơn giản là mục đích sống, lý do để chúng ta tồn tại. Sứ mệnh được dùng để nói về hiện tại hướng tới tương lai, sẽ có khá nhiều bạn dễ nhầm lẫn giữa sứ mệnh và tầm nhìn.
Tầm nhìn là muốn nói bạn muốn đi TỚI ĐÂU, trong khi đó, sứ mệnh sẽ cho bạn câu trả lời LÀM THẾ NÀO để đi tới điểm đến mà bạn muốn. Mục đích của sứ mệnh là cho bạn hiểu bạn đang làm việc cho ai, tại sao bạn lại làm việc ở đây, lợi ích nào cho bạn. Từ đây, sứ mệnh sẽ cho bạn hiểu nhiều hơn về giá trị bản thân.
Sứ mệnh có thể thay đổi theo thời gian, bởi sứ mệnh gắn bó chặt chẽ với sự phát triển cá nhân của bạn. Khi bạn phát triển bản thân lên mức độ mới, khi tầm hiểu biết được mở rộng thì có thể bạn sẽ nhận ra sứ mệnh bản thân rõ ràng hơn, tuy nhiên sứ mệnh sẽ không thay đổi quá nhiều, bởi suy cho cùng, nó cũng sẽ gắn chặt với giá trị cốt lõi và tầm nhìn của bạn.
Vì sứ mệnh là mục đích của cá nhân nên nó cần được diễn giải cụ thể, ngắn gọn nhưng dễ hiểu. Quan trọng hơn sứ mệnh ấy phải phù hợp, đồng thuận tính cách với bạn để có thể giải thích lý do cá nhân tồn tại để làm gì và sẽ làm gì.
2. Làm thế nào để xác định được sứ mệnh?
Để có được sứ mệnh cụ thể cho bản thân thì bạn cần xác định các bước để lập thành mục tiêu sứ mệnh. Tuy rằng mỗi cá nhân có cuộc sống, sự phát triển khác nhau nhưng cơ bản về phương pháp tìm kiếm sứ mệnh sẽ giống nhau. Bạn có thể tham khảo những bước như sau:
Bước 1: Xác định những điều bạn làm tốt nhất
Bạn giỏi việc gì nhất, hãy nghĩ về những việc bạn đã và đang làm. Lập một danh sách về việc mà bản thân cực kì tự tin khi nhắc đến. Bạn có thể liệt kê các thành tích trong quá khứ, những thành tựu mà bản thân đã rất nỗ lực để đạt được. Mở rộng quy mô tìm kiếm của bạn, như là thành tích từ công việc, trong xã hội hoặc gia đình.
Tổng hợp những thành tích sau đó rút ra kinh nghiệm, xác định điểm mạnh điểm yếu của bản thân.
Bước 2: Sắp xếp thứ tự
Sau khi đã liệt kê những chiến tích “lẫy lừng” của bản thân, bạn bắt đầu chọn lọc danh sách đó. Bạn hãy nghĩ về giá trị của thành công ấy, rồi chọn khoảng năm thành công mà bạn tâm đắc và cho rằng nó rất quan trọng, những thứ khiến bạn thực sự đáng để bỏ công, bỏ sức ra làm.
Bước 3: Xác định mục tiêu
Bây giờ bạn xác định một số mục tiêu trong tương lai mà mình muốn hướng tới. Các mục tiêu này bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn. Bạn có thể nghĩ những đóng góp của mình từ quy mô nhỏ nhất như: mục tiêu này giúp được gì cho sự phát triển của bạn, mục tiêu có ý nghĩa gì với gia đình, nó đóng góp được gì cho gia đình, bạn bè, công việc và rộng hơn là mục tiêu ý nghĩa như thế nào với xã hội, cộng đồng xung quanh.
Đừng quá bắt ép bản thân phải nghĩ những mục tiêu xa xôi, cần phải có ý nghĩa lớn cho xã hội hoặc thế giới khi bạn chưa có mong muốn. Bạn hãy xuất phát từ nhu cầu của bản thân, một cách thật chậm rãi. Xác định nhưng đừng quên ưu tiên, sắp xếp mục tiêu cho phù hợp nhé bạn.
Bước 4: Kết hợp cả 3 bước trên
Kết hợp điểm mạnh, quan niệm thành công và một mục tiêu nhất định cho bản thân. Bạn nên chọn lựa mục tiêu phù hợp với điểm mà bạn giỏi nhất, điều bạn ưu tiên làm nhất trong tương lai, rồi viết ngắn gọn những điều ấy thành một câu hoặc một đoạn đơn giản nhất.
Giống như Nick Vujicic, anh ấy sau khi hiểu được ưu điểm của bản thân, xác định điều muốn làm nhất và mục tiêu cụ thể thì anh ấy đã có thể tự tin mà nói rằng “Sứ mệnh của tôi là giúp đỡ người khác thông qua câu chuyện của mình”.
Hoặc Công ty cổ phần sữa Vinamilk – một “ông lớn” trong ngành công nghiệp sữa tại Việt Nam có sứ mệnh súc tích và dễ nhớ rằng công ty cam kết cung cấp dinh dưỡng và chất lượng cao từ sự trân trọng và tình yêu, và đây cũng là trách nhiệm mang tới cho cộng đồng.
3. Xác định mục tiêu cho bản thân
Trong bốn bước để tìm hiểu sứ mệnh, dường như bước xác định mục tiêu sẽ khiến không ít bạn gặp khó khăn. Umit sẽ gợi ý bạn một số bước để định hướng giúp bạn nhé.
Trước hết, để đặt mục tiêu, bạn cần biết mình làm việc này có ý nghĩa gì tới bản thân không. Nói cách khác, mục tiêu này có tương thích với giá trị cốt lõi của bạn không?
3.1 Xác định giá trị cốt lõi
Xác định giá trị cốt lõi có thể qua những bước sau:
– Tìm hiểu bao quát về bản thân bằng cách trả lời một số câu hỏi như: Điều gì là quan trọng trong cuộc sống của bạn? Bạn tự hào nhất về điều gì? Khoảnh khắc nào làm cho bạn hạnh phúc nhất? Thành công hoặc thất bại nào khiến bạn nhớ mãi? Lý do gì khiến bạn nhớ về nó?
Khi hỏi mình những câu hỏi này, hãy nhớ rõ về hoàn cảnh xảy ra sự việc, bạn đã làm gì, quyết định như thế nào, kết quả là gì và bạn đã học được điều gì.
– Tham khảo ý kiến của những người xung quanh: Đôi khi bạn bè, những người thân cận gần với bạn nhất sẽ tiết lộ một số phẩm chất mà bạn không ngờ tới.
– Tham khảo danh sách giá trị và chọn ra điều phù hợp nhất: Tập hợp một danh sách có giá trị cốt lõi, bạn phân tích, sử dụng dữ liệu từ hai bước trên để chọn lọc ra khoảng 10 giá trị phù hợp nhất. Tiếp tục rút ngắn xuống còn 5 giá trị, rồi sắp xếp thứ tự ưu tiên của bản thân.
Ví dụ: Một trong những giá trị cốt lõi mà bạn xác định được là phát triển vì bạn đặt sự quan tâm hàng đầu vào phát triển bản thân, học hỏi điều mới mẻ và áp dụng chúng vào cuộc sống mỗi ngày. Điều này sẽ khiến cho bạn cảm thấy yêu đời, có động lực làm việc bởi bạn biết rằng mình đang bước, một cách thật chậm rãi chứ không đơn giản là bạn đang đứng yên tại chỗ.
3.2 Xác định mục tiêu ngắn hạn – dài hạn
Sau khi có đủ dữ liệu về bản thân, bạn có thể xác định mục tiêu cho bản thân. Bạn hãy chia nhỏ mục tiêu thành hai dạng là mục tiêu ngắn và dài hạn. Những mục tiêu ngắn hạn là công việc bạn có thể hoàn thành từ 6 tháng tới 1 năm, thường thì mục tiêu ngắn hạn sẽ dưới 1 năm. Mục tiêu dài hạn thì được tính bằng năm. Ví dụ như bạn khao khát được làm bác sĩ thì đây được xem là mục tiêu dài hạn, bạn phải học trường Y từ 5-7 năm, sau đó làm bác sĩ nội trú 2 năm thì mới có thể tiến tới gần mục tiêu làm bác sĩ.
Mục tiêu của bạn phải được đo lường: Cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đều có khung thời gian rõ ràng, điều này cho phép bạn đo lường được tiến độ, sự phát triển trong quá trình của bản thân. Chia nhỏ mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ để bạn dễ dàng theo dõi, có động lực hoàn thành.
Mục tiêu dài hạn của bạn phải phù hợp với khả năng và kỹ năng của bạn. Nếu bạn đặt mục tiêu là “Tôi muốn giành giải Grammy hoặc Oscar” mà bạn không quá đam mê nghệ thuật, không thể hát hay chưa từng diễn ở bộ phim nào thì cũng thật vô lý.
Kiên trì. Không một mục tiêu nào dễ dàng cả. Đừng bỏ cuộc nếu bạn gặp khó khăn, thất bại mà cản trở bước tiến của bạn. Nếu khi bạn nỗ lực tới cùng mà chưa thể đạt được mục tiêu ấy thì bạn nên cân nhắc lại những điều đầu tiên: “Mục tiêu này phù hợp với giá trị của bạn chứ?” Bạn hoàn toàn có thể sửa đổi mục tiêu của bạn cho phù hợp. Nhưng hãy chắc rằng lúc đó bạn đã nỗ lực hết sức, vận dụng “3000 công lực” mà không có được kết quả như ý rồi hãy thay đổi nhé. Hãy sẵn sàng từ bỏ những mục tiêu không còn ý nghĩa và vận dụng lại năng lượng của bạn vào việc theo đuổi những mục tiêu khác.
“Những nhà lãnh đạo kinh doanh tốt tạo ra tầm nhìn, xác định rõ tầm nhìn, mạnh mẽ nắm lấy tầm nhìn và không ngừng thúc đẩy nó tới khi hoàn thiện.”
Thomas Hardy
Bài viết cùng chủ đề:
➤ Tìm hiểu những năng lực bản thân đang sở hữu
➤ Thấu hiểu bản thân nhờ Sinh trắc vân tay
Bài viết rất hữu dụng và chi tiết và sẽ tuyệt vời hơn nữa khi có thêm ví dụ cụ thể ạ! Em xin chân thành cảm ơn tác giả!=