Với những gia đình có con đầu lòng, giây phút con cất tiếng gọi ba, gọi mẹ vô cùng thiêng liêng và quý giá. Thế nhưng chờ mãi, chờ mãi mà con yêu không nói khiến ba mẹ hoang mang lo lắng và không biết tại sao. Bài viết dưới đây của mình sẽ cung cấp các nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói để bố mẹ tham khảo nhé!
1. Trẻ bị chậm nói do đâu
Trẻ có kỹ năng nói và giao tiếp chậm hoặc kém hơn so với các bé cùng trang lứa; trẻ không có các biểu hiện bi bô tập nói khi đến tuổi; trẻ không thích giao tiếp, tương tác với bạn bè thậm chí là bố mẹ, trẻ chỉ thích dùng hành động, cử chỉ để miêu tả mong muốn… Tất cả các trường hợp trên được coi là trẻ bị chậm nói.
2. Các nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói
2.1 Nguyên nhân chủ quan
- Do bố mẹ cưng chiều hoặc bỏ bê quá mức: bố mẹ ít quan tâm, ít nói chuyện hoặc ít cho con tập nói.
- Bố mẹ cho con tiếp xúc với tivi, điện thoại quá sớm: thay vì ngồi chơi, vui đùa cùng bé bố mẹ lại bật phim hoạt hình trên tivi, điện thoại cho bé tự xem…
- Bé bị hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài: suốt ngày bé chỉ ở một góc trong phòng không ra ngoài khám phá những điều mới lạ của môi trường xung quanh…
- Trẻ bị tự kỷ: Chậm nói là một dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Tuy nhiên không phải lúc nào trẻ chậm nói cũng là tự kỷ. Tự kỷ là một dạng bệnh lý của não bộ vì có xuất hiện rối loạn phát triển thần kinh do có gen bất thường
2.2 Nguyên nhân khách quan
- Gặp phải các vấn đề ở cơ quan phát âm: tai, mũi, họng…( mất thính lực)
- Rối loạn vận động lời nói: Có nhiều trẻ chậm nói do rối loạn vận động lời nói. Nguyên nhân là do não không đưa ra các tín hiệu đến các vùng cơ miệng, khiến việc phối hợp giữa môi, lưỡi và hàm để phát ra âm thanh khó hơn.
- Trẻ bị thiếu tháng (sinh non) thì có hệ miễn dịch kém, các cơ quan chưa hoàn thiện đầy đủ
3. Cách nhận biết trẻ bị chậm nói
3.1 Trẻ được 3 đến 4 tháng tuổi
- Trẻ không đáp ứng được tiếng động mạnh
- Trẻ không biết kết hợp các nguyên âm, phụ âm như ba, ma, ka, đa,…; không biết phát ra những âm thanh ngộ nghĩnh nhằm giao tiếp với mọi người
3.2 Trẻ được 7 tháng tuổi
- Đến giai đoạn này, trẻ vẫn không đáp ứng được tiếng động mạnh
- Khi nghe thấy lời nói của bố mẹ, bé không bập bẹ theo mà ngồi im
- Trẻ không biết bắt chước những từ ngữ của bố mẹ, chỉ phát ra những âm thanh như “bah-bah”, “aah-aah”
3.3 Trẻ được 12 tháng tuổi
- Trẻ không tìm cách giao tiếp với người khác kể cả khi cần sự giúp đỡ
- Trẻ không biết nói một từ nào kể cả các từ có phát âm đơn giản như bà, mẹ…
- Trẻ không thực hiện được các động tác đơn giản như vẫy tay chào, tạm biệt, chỉ tay vào đồ vật mình muốn.
- Trẻ không có phản ứng gì khi bị gọi đúng tên.
- Đặc biệt, trẻ không quan tâm đến thế giới xung quanh.
3.4 Trẻ được 24 tháng tuổi
- Vốn từ tăng chậm, trẻ không nói nổi 15 từ trong một câu
- Trẻ không hiểu và không làm theo được các câu chỉ dẫn dài của bố mẹ
- Đặc biệt, trẻ không dùng lời nói để giao tiếp
3.5 Trẻ được 3 tuổi
- Ở giai đoạn này nhưng trẻ vẫn không biết sử dụng các đại từ nhân xưng như mẹ, con
- Lời nói của trẻ không rõ ràng, lắp bắp khiến cho mọi người xung quanh thậm chí là bố mẹ không hiểu được trẻ đang muốn nói gì hay thích gì
4. Cách khắc phục vấn đề chậm nói ở trẻ
4.1 Trẻ bị chậm nói đơn thuần
- Bố mẹ nên chủ động nói chuyện với trẻ nhiều hơn: Việc chủ động nói chuyện với trẻ mọi lúc mọi nơi là cách tốt nhất để cải thiện khả năng nói của trẻ. Đối với trẻ đang trong giai đoạn tập nói thì có thể sử dụng các âm thanh đơn giản như ba, má, cha, mẹ. Trẻ lớn hơn thì cần nói chuyện thật nhiều, rõ ràng từng từ để trẻ bắt chước
- Bố mẹ tuyệt đối không được bắt chước, nói theo giọng điệu của trẻ: Khi trẻ bắt đầu tập nói thường phát âm không chuẩn, nói ngọng hoặc núi lưỡi. Vì vậy nếu người lớn bắt chước nói theo giọng điệu của trẻ sẽ khiến trẻ hình thành thói quen khó sửa, tiếp tục nói sai, nói ngọng.
- Thường xuyên đọc sách, kể chuyện, hát cho bé nghe: Sách có nhiều màu sắc, hình ảnh tươi sáng và đẹp đẽ sẽ phù hợp với độ tuổi của trẻ để trẻ cảm thấy thích thú hơn.
- Trả lời, giúp đỡ, giải đáp thắc mắc của con mọi lúc mọi nơi. Ví dụ như mẹ và con chuẩn bị đi chơi thì con phải tự giải quyết vấn đề bằng cách biết phân biệt giày của mẹ to và giày của con sẽ nhỏ…
- Tạo môi trường giúp trẻ phát huy khả năng nói. Có một môi trường lành mạnh trẻ sẽ học nói nhanh hơn. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ có thể vui chơi, giải trí với các bạn đồng trang lứa. Việc này không những giúp trẻ trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn mà còn tạo điều kiện cho trẻ phát triển ngôn từ hiệu quả hơn.
4.2 Trẻ bị chậm nói do các bệnh lí
Trong trường hơp này thì bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra. Tùy theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ, các bác sĩ sẽ có hình thức can thiệp khác nhau như tư vấn, hướng dẫn cha mẹ huấn luyện ngôn ngữ tại gia đình hoặc cần kết hợp chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý và bác sĩ để thúc đẩy ngôn ngữ ở trẻ.
Trên đây mình đã chỉ ra nguyên nhân, cách nhận biết cũng như cách khắc phục trẻ bị chậm nói, các bậc phụ huynh có thể đọc và tham khảo. Chúc mọi người thành công. Xin chân thành cảm ơn !